Tứ Pháp trong tư liệu thành văn Tứ_pháp

Văn học sử

Văn bản Cổ Châu Phật bản hạnh ngữ lục (Cổ Châu lục) khắc trên ván gỗ bằng hai thứ chữ: Hán - Nôm, còn lưu trữ tại chùa Dâu đến nay là nguồn tư liệu gốc có giá trị về lai lịch cũng như những sự linh ứng của Tứ Pháp trong suốt hàng nghìn năm lịch sử từ thời Bắc Thuộc cho đến thời Lê Sơ[12]:

  • Thời Tam Quốc, Đào Hoàng làm Thứ sử Giao Châu (thuộc nhà Đông Ngô), phục sự linh thiêng của Phật, sai đắp đàn canh giữ tượng, trùng tu cả bốn ngôi chùa tại Luy Lâu.
  • Thời Đông Tấn, Tấn Minh Đế nghe tiếng Tứ Pháp linh thiêng nên sai Thứ Sử Giao Châu Đào Khản mang quân lính đến kéo tượng Pháp Vân về kinh đô Kiến Khang. Khản sai lực sĩ đến kéo, kéo không được, lại sai 1000 lực sĩ cũng kéo không được, sai 3000 lực sĩ kéo về, đi giữa đường đến Long Pha, chúng kiệt sức ngã gãy chân tay nhiều. Khản thắp hương lễ tạ xin kéo trả về chỗ cũ tượng lại nhẹ tênh. Từ đó tiếng linh thiêng càng lừng lẫy.
  • Thời Tùy, Lưu Phương đến chùa Tứ Pháp yết bái để thoả sự mong mỏi.

Tượng Tứ Pháp cũng đã được nhắc đến nhiều lần trong chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư. Những chi tiết được ghi lại thể hiện tín ngưỡng dân gian đã kết hợp hoàn toàn với Phật giáo Việt Nam thời Lý.

Vua Lý Nhân Tông và triều đình cho đưa tượng về Thăng Long để cầu đảo:

Quý Sửu, Thái Ninh năm thứ 2 (1073), [Tống Hy Ninh năm thứ 6]. Bấy giờ mưa dầm, rước phật Pháp Vân về kinh để cầu tạnh.
— Đại việt sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục, Quyển III[13]

Vua Lý Thần Tông cho đưa tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên để cầu mưa:

Đinh Tỵ, Thiên Chương Bảo Tự năm thứ 5 (1137) , [Tống Thiệu Hưng năm thứ 7].

Vua ngự đến chùa Báo Thiên, làm lễ Phật Pháp Vân để cầu mưa. Đêm ấy mưa to.

— Đại việt sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục, Quyển III[14]

Vua Lý Cao Tông thân hành đến tận chùa Dâu để làm lễ và rước tượng Phật về kinh:

Mậu Thân, Thiên Tư Gia Thuỵ năm thứ 3 (1188) , [Tống Thuần Hy năm thứ 15].

Mùa hạ, tháng 5, đại hạn. Vua thân ngự đến chùa Pháp Vân ở Duềnh Bà để đảo vũ, nhân rước tượng phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên.

Buổi đầu bản triều (tức nhà Lê) vẫn còn theo tục cũ này.

— Đại việt sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục, Quyển IV[15]

Tục lệ rước tượng Phật về kinh này còn đến tận đầu thời Lê, dưới thời Lê Nhân Tông:

Mậu Thìn, Thái Hòa năm thứ 6 (1448) [Minh Chính Thống năm thứ 13]

Sai Thái úy Lê Khả đến xã Cổ Châu rước tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên ở kinh thành.

Xuống chiếu cho các nhà sư tụng kinh cầu đảo. Vua và hoàng thái hậu cùng đến làm lễ.

— Đại việt sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục, Quyển XI[16]

Thi ca

Trong tập thơ Hồng Đức quốc âm thi tập có một loạt bài thơ vịnh chùa Pháp Vân với niềm tin rõ ràng từ vua tới dân vào sự linh ứng của Phật Pháp Vân. Những bài thơ Nôm này minh chứng rằng Phật giáo dưới thời Lê vẫn phát triển mạnh mẽ và thể hiện rõ nét tính dân tộc, nhằm đối kháng lại nền Phật giáo của nhà Minh đưa sang[17].

Văn khắc Cổ Châu Phật bản hạnh (Cổ Châu hạnh) là bản dịch chữ Nôm của "Cổ Châu lục". Trong Cổ Châu hạnh đã có những đoạn mô tả cảnh rước phật Pháp Vân dưới thời Lê Thánh Tông rất sinh động và đầy màu sắc theo hình thức thơ Nôm hay còn gọi là "kể hạnh" ở lễ hội chùa Dâu[17]:

Đến đời Hồng Đức niên gian

Dựng làm lễ hội đưa con lên chùa

Tán vàng tán tía khoe đua

Bụt Ả là chị lên chùa đưa con

Người ta sum họp dư muôn

Cờ bằng bươm bướm tiến lên rợp đường

Gác cao chuông gióng tiếng vang

Hai bên phố xá tựa đường tiên bay

Phát hành ba tiếng lớn thay

Cờ vàng tán tía nghiêm thay Bụt Dì

Người ta xem hội đà ghê

Bà Út con họ hội lề đua nhau

Được mùa ai cấm ai đâu

Việt Nam đón hội chùa Dâu dậy dàng

Cuối thế kỉ XVI, tác phẩm Việt sử diễn âm (tác giả khuyết danh) bằng chữ Nôm còn nhắc đến Tứ Pháp[17]:

Siêu Loại có làng Cổ Châu

Làm bốn tượng Phật nhẫn sau còn truyền

Hiệu là Pháp Vũ, Pháp Vân

Pháp Lôi, Pháp Điện còn truyền đến nay.

Một bài thơ Nôm khác được cho là của chúa Trịnh Căn có tên Ngự đề Pháp Vân tự thi (kí hiệu N°7880 tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm) khắc ngày mồng 9 tháng 10 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718)[18].

Vô biên công đức dậy lừng danh,

Bỡ ngỡ hồ thiên cảnh tú thanh.

Ngọc thỏ một vừng in địa trục,

Bàn long đội thế mở đồ tranh.

Cầm thung gió cuốn khi tuyên pháp,

Hoa báu mưa rây thuở diễn kinh.

Tiết gặp thăng bình nhân thưởng ngoạn,

Tuệ quang hay được khí chung linh.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tứ_pháp http://nomfoundation.org/nom-project/history-of-gr... http://baobacninh.com.vn/news/-/details/20182/than... http://www.baobacninh.com.vn/chi-tiet-bac-ninh-xua... http://thuanthanh.bacninh.gov.vn/news/-/details/22... http://thuanthanh.bacninh.gov.vn/news/-/details/22... http://thuanthanh.bacninh.gov.vn/news/-/details/22... http://hannom.org.vn/web/tchn/data/8701.htm http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=572&Cati... http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/9402v.htm http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/9502.htm